Searching...
Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Đánh giá loa cột Neat Momentum 4i

11:47


(PCWorldVN) Loa cột Momentum 4i của Neat Audio - Anh là thiết kế iso-Baric 2,5 đường tiếng sử dụng bốn củ loa trong mỗi loa. Đây là sản phẩm xứng đáng dành cho các hệ thống hi-end.

Loa cột Neat Momentum 4i
Iso-Baric là một thiết kế đặc biệt nhằm cung cấp âm trầm mẫu mực hiệu suất cao ít được sử dụng vì khó chế tạo và tốn kém. Nguyên tắc iso-Baric là dùng 2 củ bass xếp song song cùng hướng để ép đẩy âm trầm mạnh mẽ lên nhiều lần mà không phải dùng củ bass đường kính lớn hay tăng thể tích thùng loa.
Hai nhà thiết kế Bob Surgeoner và Paul Ryder của Neat Acoustic đã khai thác một cách căn bản và cực kỳ hiệu quả kỹ thuật iso-Baric vào loa Momentum 4i. Với thiết kế thùng và cách xếp đặt loa thông minh, khi nhìn bên ngoài Momentum 4i người chơi sẽ chỉ nghĩ đây là đôi loa cột đơn giản gồm 2 loa nhưng thật ra đây là hệ thống loa gồm 2 củ loa bên ngoài và 2 củ loa được ẩn kín trong thùng (xem hình minh họa).

Tất cả các củ loa, các tụ điện và cuộn dây sử dụng trong các mô hình Momentum do Neat tự thiết kế được thực hiện bởi các nhà cung cấp hàng đầu Vương quốc Anh. Củ loa bass/midrange là thành phần chính của loa Momentum 4i nối các tần số liền lạc đến các điểm giao nhau, nơi mà củ loa tweeter “NMT” mái vòm titan đảo ngược của Neat Audio phản ứng và mở rộng các tần số cao hơn. Tất cả công nghệ này được trình bày thân thiện, hấp dẫn trong một loạt thùng loa có các màu gỗ khác nhau để người dùng tùy chọn sao cho phù hợp với không gian nội thất.
Quan trọng hơn cả là dòng loa Momentum 4i có khả năng cung cấp trải nghiệm âm nhạc hấp dẫn, trung thực, thực sự khắc phục được các vấn đề trong các phòng nghe khác nhau.

Thông số kỹ thuật:
Kích thước (Cao x Rộng x Sâu): 105 x 22 x 23 cm
Khối lượng: 25kg/chiếc
Trở kháng: 8Ohm (tối thiểu 5Ohm)
Độ nhạy: 88dB/1Watt
Hệ thống: 2,5 đường tiếng phản xạ âm bass iso-Baric
Màu gỗ: gỗ sồi, phong, anh đào và rosenut…
Giá tham khảo: 106 triệu đồng/đôi (3.225 bảng Anh)

Không khó phối ghép



Loa cột Neat Momentum 4i.
Độ nhạy của loa Momentum 4i là 88dB/1Watt không phải là cao. Thế nhưng nó cũng không đòi hỏi công suất của ampli như thoạt nghĩ lúc đầu, nhờ vào thiết kế bass đôi iso-Baric nên bass đã cân bằng mà không cần công suất cao. TestLab đã ghép loa Momentum 4i với ampli đèn tích hợp single end Separo SE 300I công suất 10Wpc và hoàn toàn hài lòng về sức mạnh cũng như chất âm. Thực ra, khi chơi với Separo SE 300I, mức vặn volume cũng lên tận 11h nhưng bộ dàn không phát ra tiếng lạ hay méo âm.

TestLab đã trải nghiệm Momentum 4i với 2 hệ thống ampli và đầu máy khác nhau. Như trên nói, đầu tiên là với hệ thống chạy ampli đèn tích hợp Separo SE 300I, đầu quay CD Denon DCD 3300, đầu quay cassette Tascam 112 Mk II; mâm đĩa nhựa Pioneer XL-1550, kim MC Concept; dây nguồn Analysis Plus Power Oval; dây tín hiệu Analysis Plus Chocolate Oval; dây loa Analysis Plus Oval 12/2 (Loa Neat Momentum 4i).



Phía sau loa có hai lỗ thông hơi, cọc bắt dây loa cho phép chơi 2 ampli (phải tháo lá đồng nốt tắt 2 đôi cọc bắt dây loa).

Hệ thống 2 gồm loa Neat Momentum 4i, ampli đèn tích hợp Rogue Audio Cronus Magnum (bóng công suất EL34); đầu quay CD Teac ZD 7000; đầu quay cassette Bang Olufsen Beocord 9000; mâm đĩa nhựa Pioneer XL-1650, kim MM Pickering XV-15; dây nguồn Furutech G-314Ag; dây tín hiệu Analysis Silver Oval; dây loa Synergistic Research X4. Ở hệ thống 2, với dây tốt, tăng âm tốt, người nghe càng thấy Momentum 4i có sức thuyết phục lớn do bass lên quá hay.

Giải quyết tốt bài toán nghe nhạc
Để có bộ dàn hay, nhiều trường hợp, người nghe phải đầu tư vào loa đến 50% kinh phí cho cả bộ dàn. Ở một số phòng nghe nhỏ hẹp hoặc phi chuẩn, rất khó triển khai bộ loa vừa ý. Với kích thước tối ưu, loa Momentum 4i rất dễ kê, hoàn toàn có thể kê cách vách tường sau và bên 30 – 40 cm để loa “thở tốt”. “Bass đôi” hướng sàn của loa mang lại hiệu ứng iso-Baric và vẫn đảm bảo thẩm mỹ cho loa. Bass/midlerange và tweeter ngang với tầm tai người ngồi nghe trên ghế bành cũng là một thiết kế chuẩn mực. Trường hợp của Momentum 4i, người nghe chỉ cần đầu tư 30% – 40% tổng kinh phí cho bộ dàn vào loa.



Treble titan dome ngược khiến cho loa có chất âm sáng và đẹp.

Ở hệ thống 1, TestLab nghe CD Angel Romero Plays Bach. Tiếng đàn guitar cổ điển của Angel Romero lên tròn trịa, mạnh mẽ, bóng bảy, đẹp. Đặc biệt, trong đĩa này có bản Chacone in D minor trích trong Partita No2 BWV 1004 cho violin của Bach đã được chuyển soạn sang chơi bằng guitar (bài số 7). Đó là tác phẩm kinh điển, thuộc hàng khó nhất cho mỗi nghệ sĩ độc tấu guitar. Nó được viết theo hình thức chaconne – biến tấu lặp trên chủ đề cho trước ở bè trầm. Angel Romero chơi rất tốt bản này. Trầm của guitar không quá sâu nhưng với loa Momentum 4i, nó xuống đủ để thấy rằng ngoài sáng rỡ ở bè trên (do có tweeter titan), loa Momentum 4i còn là loa cho tiếng ấm áp ở dải dưới.

Nghe băng cassette Concerto for Violin and Orchestra in E Minor của Mendelssohn do Ruggiero Ricci độc tấu violin, Pierino Gamba chỉ huy London Symphony Orchestra (Decca, 1959), TestLab thấy hoàn toàn tự tin ở giải pháp hệ thống 1. Âm sắc của violin thay đổi rõ mồn một từ dây cao xuống dây thấp, từ nốt thấp khò khè lên nốt cao sắc lẹm. Đây là concerto mà nhạc cụ độc tấu được trao nhiều quyền hơn so với các concerto khác. Cái hay của loa Momentum 4i là càng nghe càng thích và chỉ muốn nghe mãi. Có những đoạn nghệ sĩ, dàn nhạc chơi hay đến nỗi hết phần đó rồi, người nghe cứ muốn nghe lại vì âm bass rất sâu, gọn và khả năng phù hợp với bất kỳ loại nhạc nào chơi với chúng.



Trong những ngày nghe với hệ thống 1, TestLab được dịp nghe hết bộ 4 đĩa nhựa Bach Grosse Meister der Musik và bộ 2 đĩa nhựa Beethoven Missa Solemnis. Đó là các tuyển tập các tác phẩm lớn của Bach và Beethoven. Nói chung, không có gì để phàn nàn với đôi loa Momentium 4i. Những concerto cho đàn harpsichord và dàn nhạc của Bach chi tiết đến từng nốt mặc dù tiếng của đàn này mảnh mai khó nghe thấy hơn tiếng đàn piano. Giọng ca ở hai bộ sưu tập đều lên rất đẹp. Khi dàn nhạc chơi, bè trầm vừa đủ thỏa mãn.

Ở hệ thống 2, TestLab bắt đầu nghe kiểm tra với CD Beethoven Concertos Nos.3 and 4 do Emanuel Ax chơi cùng Royal Philharmonic Orchestra (Andre Previn chỉ huy, đĩa của RCA, Red Seal). Những tiếng trầm ấn tượng: tròn, to, ấm, rền, nền, nảy. Trầm của hệ thống 2 hay đến mức có thể không cần nghe các bè khác, chỉ dõi theo bè trầm cũng thấy hay lắm. Các dải trên cũng tương tự như ở hệ thống 1. CD này có một phần dạo đầu khá thịnh soạn rồi mới bắt vào độc tấu piano với các loạt chạy lên cao thẳng hướng trọng âm.



Chiều cao của chân đinh vừa đủ để bass hướng sàn phát huy tác dụng.
Sau chủ đề chính (đã xuất hiện ở phần dạo của dàn nhạc) là chủ đề phụ. Tiếng đàn piano của Emanuel Ax lúc một mình, lúc xen kẽ cùng dàn nhạc rất đẹp, không lẫn vào đâu. Ax chơi thật bóng bảy, điêu luyện. Ông là người biểu diễn các concerto cho piano và dàn nhạc của Beethoven rất hay, thuộc hàng hiếm có. Loa Momentum 4i đòi hỏi vặn volume to hơn bình thường khoảng một múi giờ (11h thay vì 10h như ở các loa độ nhạy cao hơn).

TestLab nghe Giao hưởng số 4 của Mendelssohn do London Symphony Orchestra biểu diễn (Claudio Abbado chỉ huy, Decca 1959). Đây là bản giao hưởng nổi tiếng của Mendelssohn với tên gọi “Italienische” (bản giao hưởng Italia). Toàn bộ dàn nhạc được chuyển tải sinh động ở chương một (theo hình thức sonata): Có cái gì đó vội vã, thôi thúc. Sân khấu âm thanh rộng và động, trên đó các bè, mảng âm thanh bay bổng…


Loa bass của Neat Momentum 4i hướng sàn.

Bỗng TestLab nhớ đến cello, cây đàn có chất âm cực hợp với dàn nghe nhạc chạy đèn. Đặt đĩa nhựa Peter Schenkman (cello) và Elyakim Taussig (piano) (CBC Radio Canada, 1971) nghe Sonata No2 for Cello and Piano in F Major, Op.99 của Johannes Brahms, TestLab nghe được những tiếng độc tấu cello “nổi da gà” và tiếng piano “đầy giục giã”. Rất hồi hộp. Sân khấu dành cho 2 nhạc cụ thật nhỏ nhoi mà sao sinh động lạ thường.

Trong những ngày trải nghiệm loa Neat Momentum 4i, TestLab cũng nghe nhiều LP, CD nhạc nhẹ. Nghe các bản Take Me Home, Country Roads trong album John Denver’s Greatest Hits (RCA 1973), hay When I Dream trong album Crystal Gayle - Classic Crystal hay Hotel California trong album The Eagle – Hell Freezes Over, TestLab thấy rằng loa Momentum 4i không chỉ tốt cho nghe nhạc cổ điển mà còn rất tốt với các loại hình nhạc khác, kể cả rock. Tiếng trống bass trong bài Hotel California lên căng mọng, rền vang ngân mà không cần thêm một chế độ chỉnh tone nào ở ampli.

Ưu điểm: Âm thanh đẹp, giàu nhạc tính; Dễ bài trí trong không gian hiện đại
Nhược điểm: Chưa thấy nhược điểm
Cung cấp thiết bị: Shop Âm thanh 181/1 đường 3/2 quận 10, TP.HCM.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :)) ;(( :-) =)) ;( ;-( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ $-) (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.